Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Phát triển, củng cố hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

Trang chủ HOP TAC XA NONG NGHIEP

Đồng Tháp: Phát triển, củng cố hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt kế hoạch Phát triển, củng cố hợp tác xã -liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

 

Ảnh minh họa (sưu tầm)

Kế hoạch Phát triển, củng cố hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu: Tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã có mã vùng trồng, để các HTX hoạt động đi vào chiều sâu theo hướng khép kín từ sản xuất, dịch vụ đến tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.Tạo điều kiện cho các HTX thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Phát triển HTX bền vững gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng vùng sản xuất hàng hoá. Tập trung phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa đảm bảo phát triển bền vững. Phát triển HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành nghề, hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Thúc đẩy và tạo điều kiện HTX phát triển các sản phẩm chủ lực của Tỉnh, liên kết hình thành chuỗi giá trị với doanh nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng.

Trong giai đoạn này, tỉnh Đồng Tháp sẽ củng cố, nâng chất 13 HTX từ trung bình lên khá. Số lượng cán bộ quản lý được qua đào tạo đại học đạt 20%, trung cấp đạt 15%. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 32 HTXNN (gồm: 20 HTX đã có mã vùng trồng, 12 HTX cấp mã vùng mới, 02 HTX được thành lập mới từ 02 THT đã có mã vùng trồng), 37 THT, 06 Hội quán có mã vùng trồng và có 70% HTX (24 HTX/34 HTX), 50% THT (18 THT/35 THT), 50% Hội quán (03/06 Hội quán) có liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện và mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc trên lúa với diện tích 500 ha (HTX Mỹ Đông 2).

Ảnh minh họa (tư liệu)

Theo đó, kế hoạch tập trung vào 06 giải pháp thực hiện sau: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; (2) Nâng cao năng lực cho HTX để thực hiện liên kết có hiệu quả; (3) Đầu tư, củng cố, nâng chất các HTX; (4) Tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; (5) Thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025; (6) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những khó khăn, vướng mắc phát sinh chưa phù hợp hoặc cần bổ sung, sửa đổi thì các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi ý kiến về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.

Riêng kế hoạch năm 2021, tỉnh Đồng Tháp sẽ củng cố 03 HTX từ loại trung bình lên HTX loại khá; hỗ trợ kinh phí tập huấn, thẩm định và đề xuất cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 16 HTXNN, 12 Tổ hợp tác (THT), 06 Hội quán có nhu cầu đăng ký mã vùng trồng và hỗ trợ kết nối 05 HTX đã có mã vùng trồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Các giải pháp thực hiện như: Tạo điều kiện thành lập mới các HTXNN và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả; Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các HTXNN có truy xuất nguồn gốc; Phát triển HTXNN có truy xuất nguồn gốc ứng dụng thành tựu công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ; Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTXNN có truy xuất nguồn gốc với các doanh nghiệp;….

Thực trạng hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc

- Đến ngày 31/12/2020 trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có 20 HTX và 28 THT có mã vùng trồng. Trong đó, có 07 HTX, 01 THT có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, tổng diện tích liên kết 517 ha, sản lượng 5.357 tấn.

- Tổng số thành viên tham gia 20 HTX là 3.737 thành viên, bình quân 187 thành viên/HTX. Tổng số tổ viên tham gia 28 THT là 1.649 tổ viên, bình quân 59 tổ viên/THT.

- Tổng vốn điều lệ của 20 HTX là 11.585 triệu đồng, bình quân 579 triệu đồng/HTX; tổng vốn hoạt động là 8.015 triệu đồng, bình quân 401 triệu đồng/HTX.

- Tổng doanh thu 2020 của 20 HTX là 4.307 triệu đồng, bình quân 215 triệu đồng/HTX; tổng lợi nhuận 399 triệu đồng, bình quân 20 triệu đồng/HTX.

- Đánh giá về trình độ học vấn của cán bộ quản lý của 20 HTX:

+ Hội đồng quản trị 90 người trong đó: Trình độ Đại học 17 người, Cao đẳng 07 người , Trung cấp 20 người, Trung học phổ thông 30 người, Trung học cơ sở 16 người.

+ Cán bộ chuyên môn: 34 người trong đó: Trình độ Đại học 14 người, Cao đẳng 7 người, Trung cấp 3 người, Trung học phổ thông 10 người.

- Về cơ sở vật chất: Có 04/20 HTX có trụ sở làm việc với tổng diện tích là 940m2; 03/20 HTX có nhà sơ chế.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động của 20 HTX: Có 02 HTX xếp loại tốt và 05 HTX xếp loại khá, 13 HTX còn lại được xếp loại Trung bình.

Nguồn: Kế hoạch số 143/KH-UBNDKế hoạch số 144/KH-UBND.

Nguyễn Hưng