Xuất bản thông tin

null Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW

Chi tiết bài viết CHU TRUONG - CHINH SACH

Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW

Đó là chủ đề của Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 vừa diễn ra vào sáng ngày 23/9/2022, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa

phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Việt Tiến)

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có hơn 28.200 hợp tác xã, trong đó, trên 18.700 hợp tác xã nông nghiệp; hơn 9.400 hợp tác xã phi nông nghiệp, trên 130.000 tổ hợp tác và 120 liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực KTTT, đặc biệt là HTX vận tải, du lịch và các HTX nông nghiệp sản xuất nông sản, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị ngưng trệ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của thành viên và HTX. Ngoài những khó khăn truyền thống, các HTX hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như: cạnh tranh gay gắt, thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, về bảo mật thông tin và dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài.

Dự và chia sẻ cùng Diễn đàn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, toàn tỉnh hiện có 223 hợp tác xã với hơn 56.000 thành viên, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 180 hợp tác xã (chiếm hơn 80%), hơn 1.000 tổ hợp tác và 126 hội quán đang hoạt động, 269 sản phẩm OCOP và trên 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Vấn đề chuyển đổi số cũng được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số với 03 lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục và nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đã có Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi số; chú trọng nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất; phát huy vai trò nòng cốt của các hội quán trong việc hỗ trợ các hợp tác xã, hội quán ứng dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hoá; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả v.v..

Nhìn nhận vấn đề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu, trong đó có nhiều khó khăn như: Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền tải thông điệp “Đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể”. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; chủ động thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh một cách linh hoạt; thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu quốc gia; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực trong phát triển hợp tác xã; chú trọng nâng cao năng lực, trình độ số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý hợp tác xã v.v..

Nguyễn Hưng