Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh

Trang chủ TIN HOAT DONG

Phát huy vai trò công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thật sự lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn (nhất là sau khi nhân rộng mô hình hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng NTM).

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thật sự lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn (nhất là sau khi nhân rộng mô hình hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng NTM). Nhận thức của cộng đồng dân cư đã dần thay đổi theo hướng tích cực, vai trò nòng cốt của nhân dân trong thực hiện Chương trình phát huy hiệu quả. Ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao rõ nét. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.

 

Ảnh: ngày đại đoàn kết vì cộng đồng, đỗ mặt sàn cầu Tầm Vu giữa tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng lòng của người dân cùng thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, trong 05 năm qua (2016-2020) diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, khởi sắc; cảnh quan môi trường được cải thiện; an ninh trật tự xã hội được giữ vững; các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân1,62%/năm; kinh tế nông nghiệp tăng trưởng bình quân hằng năm 3,57%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 97/115 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 84,35%); 03 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Tp. Sa Đéc, Tp. Cao Lãnh và Tp. Hồng Ngự) và 01 đơn vị cấp huyện (Tháp Mười) đạt chuẩn huyện NTM.

Một trong những điểm đổi mới của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là chúng ta chuyển từ “lượng” sang “chất”, đi vào chiều sâu của sự việc, từng nội dung, sản phẩm cụ thể. Do vậy, phải kể đến sự đóng góp to lớn của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác dân vận trên tất cả lĩnh vực, đã đổi mới cách làm, duy trì và phát triển nhiều mô hình hay, hiệu quả trên cơ sở phát huy nội lực của cộng đồng. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trực tuyến, đối thoại trực tiếp, gặp gỡ chuyên gia, các lãnh đạo cấp tỉnh, ngành địa phương, website, hội nghị, hội thảo đầu bờ, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân. Vận động cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội, tham gia đóng góp vật chất, công sức vào chương trình NTM. Điển hình như: mô hình tổ nhân dân tự quản, mô hình “Ngày vì cộng động” của Ủy ban MTTQ tỉnh, mô hình sổ tay hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng NTM” của Ban Dân vận Tỉnh ủy; mô hình xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi xã NTM, cụm dân xanh - an toàn, biến bãi rác thành vườn hoa của Đoàn Thanh niên tỉnh; mô hình Chi hội Nông dân “Nhà sạch, Đường sạch, Đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình “Đoạn đường 3 sạch”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ tỉnh; mô hình tổ thu gom rác thải của Hội Cựu Chiến binh, … góp phần tăng cường khối đại đoàn kết và củng cố lòng tin của nhân dân; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Ảnh (tư liệu): Mô hình tuyến đường tự quản về anh ninh trật tự xã Phương Thịnh,

huyện Cao Lãnh

Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, tỷ trọng khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 34,54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 47,02 triệu đồng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng tích cực. Khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ vào sản xuất cũng như triển khai nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng; tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”. Nổi bật là việc ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp được chú trọng và mang tính khả thi tại các địa phương như: Ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tể trong chăn nuôi; công nghệ tự động “1 chạm - 5 biết” kết hợp với sử dụng phân bón thông minh, bẩy đèn thông minh; mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái phục vụ canh tác lúa thông minh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponisc; giải pháp cấy mô trên hoa kiểng, sản xuất rau màu trong nhà lưới. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”... Ngoài ra, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng lan tỏa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có 161 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao từ các sản phầm khởi nghiệp của tỉnh; chú trọng thúc đẩy “tinh thần hợp tác” trong nông dân, có 112 mô hình Hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đã có 27 hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành từ nền tảng mô hình này. Đây là mô hình tiêu biểu được Hội đồng lý luận Trung ương chọn làm đề tài “tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán” để nhân rộng cả nước. Toàn Tỉnh có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động ổn định, trong đó có 09 HTX được chọn tham gia thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020.

 

Ảnh (sưu tầm): Nông dân Đồng Tháp ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trên

Cánh đồng Ruộng nhà mình.

            Bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thử thách: (i) Trong chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM, một số địa phương có tình trạng tự mãn sau khi xã đạt chuẩn NTM, chưa thực hiện tốt kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí; chưa chủ động, còn trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, không chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một số người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động thực hiện những phần việc của người dân. (ii) Nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng, thực hiện các mô hình mới để tạo nét riêng và phù hợp với nhu cầu của người dân tại địa bàn quản lý, chủ yếu thực hiện và nhân rộng các mô hình làm điểm do cấp trên phát động. Do đó, chưa tạo được tính thi đua giữa các địa phương để phong trào đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. (iii) Nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận cộng đồng dân cư vẫn chưa được nâng cao, tỷ lệ thu gom rác thải sinh thải còn thấp, công tác xây dựng cảnh quan môi trường một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Việc bảo vệ môi trường ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo gây bức xúc trong người dân nông thôn; đặc biệt là có một số địa phương để tái diễn công trình nhà tiêu không hợp vệ sinh. (iv) Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy được kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh, tập trung nhiều vào đối tượng thanh thiếu niên nhàn rỗi, thất nghiệp, lười lao động, có sử dụng ma túy. (v) Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, còn chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc làm giữa nhóm dân cư; nguồn lực thực hiện chính sách còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ để tác động làm chuyển biến thật sự đời sống người nghèo; các chính sách mang tính hỗ trợ trực tiếp, các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo để phát triển sản xuất chưa nhiều, dẫn đến tình trạng trông chờ, ỷ lại chính sách của Nhà nước vẫn còn tồn tại. (vi) Quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quá trình tập trung, tích tụ đất đai mở rộng quy mô sản xuất còn chậm nên sản phẩm nông nghiệp thiếu tính cạnh tranh. Hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị nông sản còn thấp dẫn đến kém sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; vẫn còn những tiến bộ khoa học kỹ thuật có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng. (vii) Việc xã hội hóa, huy động nguồn lực xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương còn khó khăn nhất là các huyện, thị vùng biên giới do thu nhập người dân nông thôn còn thấp, vốn huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn hạn chế.

Qua thực tiễn một trong những bài học kinh nghiệm được đúc kết, đó là: Ở đâu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cùng sự quyết tâm, sâu sát và tính gương mẫu của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện thì nơi đó sẽ đạt kết quả tốt trong xây dựng NTM gắn tái cơ cấu nông nghiệp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn về nội dung, mục đích ý nghĩa, giải pháp thực hiện Chương trình, Đề án, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, đặc biệt sự đồng thuận, chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm của người dân để người dân tự nguyện, hăng hái tham gia thực hiện. Khơi dậy sức mạnh cộng đồng (doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân) là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng NTM cần khởi đầu từ từng con người đến gia đình, xóm ấp, tạo nền tảng vững chắc để tiến lên xây dựng xã, huyện NTM. Phải tạo phong trào thi đua, tạo sự cạnh tranh thực sự, thường xuyên, liên tục trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn, nuôi dưỡng ngọn lửa NTM (NTM có điểm bắt đầu, nhưng không có điểm kết thúc). Hay nói cách khác, nơi đâu có công tác dân vận khéo thì xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp nơi đó sẽ thành công.

Do vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra: đến năm 2025 có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao, và 10% số xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM, 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so năm 2020; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3,5%/năm thì vai trò công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cần được phát huy hiệu quả hơn nữa, trong đó:

- Cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia duy trì kết quả xây dựng NTM đã đạt được, nhất là ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển kinh tế hộ gia đình; khơi dậy phong trào thi đua xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu từ gia đình, xóm, ấp đến xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

- Đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để có sự tham gia tích cực, chủ động của nông dân và các doanh nghiệp.

- Tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và nhân rộng các mô hình hay về cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn giữa các tổ chức chính trị xã hội nhằm thống nhất trong cách làm, tạo nên một sản phẩm hoàn thiện hơn.

- Phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM; làm cơ sở để chính quyền nhận thấy và khắc phục tồn tại, hạn chế tiếp tục duy trì và nâng chất tiêu chí đạt được, tạo lòng tin vững chắc cho người dân.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân ở cơ sở; đưa các hoạt động xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp đến với các tầng lớp dân cư nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người dân.

- Phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của các tổ chức quản lý cộng đồng như Hội quán, Ban Phát triển ấp, Tổ nhân dân tự quản đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trí, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn./.

Nguyễn Hưng