Xuất bản thông tin

null Bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Trang chủ TIN HOAT DONG

Bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Chiều ngày 19-7, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý vào dự thảo Đề án “Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”

Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,5%; trong đó có 51% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Hiện nay toàn quốc có khoảng 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 28,5 triệu người (chiếm 44% tổng dân số nông thôn). Về lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn nước ta trung bình mỗi năm hơn 10 triệu tấn; rất ít làng nghề có hệ thống xử lý nước thải; chất thải chăn nuôi khoảng 127 triệu tấn; ngành trồng trọt phát thải gần 80 triệu tấn chất thải rắn và hàng triệu khối nước thải nhưng có tới 80% khối lượng rác thải rắn từ trồng trọt (như rơm, rạ, thân các loài cây lương thực,…) được xử lý bằng cách đốt hoặc vứt tại ruộng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm lượng rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 19.000 tấn bao bì bị ô nhiệm và tồn dư hóa chất độc hại, chưa được xử lý triệt để; ngoài ra, ước tính có khoảng 2,5 - 3 triệu tấn phân bón vô cơ được sử dụng trong canh tác nông nghiệp, trong đó, khoảng 50 - 70% không được cây trồng hấp thụ, tồn đọng trong đất hoặc rửa trôi đi vào nguồn nước mặt, nước ngầm,…

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác phân loại rác thải rắn ở nông thôn, bố trí các điểm tập kết rác, thu gom, xử lý rác tại nguồn; đồng thời bố trí nguồn vốn đầu tư xử lý rác. Cùng với đó, tiếp tục bố trí nguồn lực, công nghệ, thiết bị để xử lý rác ở các làng nghề.

Đường hoa Sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã NTM Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; Ảnh Lê Thái

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & PTNT) thay mặt Tổ soạn thảo Đề án trình bày dự thảo Đề án Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cho biết: Mục tiêu chung xây dựng cảnh quan môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. 

Tham gia hội thảo trực tuyến có 13 lượt ý kiến của các địa phương và chuyên gia về môi trường đóng góp vào dự thảo Đề án Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chỉ đạo Ban tổ chức và Tổ soạn thảo Đề án tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Đề án theo ý kiến của các đại biểu tại hội thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian tới.

Lê Thái_VPĐP NTM&TCCNN Tỉnh