Publicador de contenidos

null Đồng Tháp tham vấn ý kiến chuyên gia về Đề án “tam nông”

Chi tiết bài viết CHUONG TRINH - DE AN

Đồng Tháp tham vấn ý kiến chuyên gia về Đề án “tam nông”

Nhằm nâng cao tính khả thi và tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030”, chiều ngày 28/10, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ trong thời gian tới.

Chủ trì Hội thảo gồm có: Ông Cao Đức Phát – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam; ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình bày dự thảo Đề án. Theo đó, dự thảo gồm có 04 phần; có 44 chỉ tiêu, gồm: nhóm chỉ tiêu phản ánh mục tiêu phát triển chung, nhóm nông nghiệp sinh thái, nhóm nông thôn hiện đại, nhóm nông dân văn minh; có 07 nhóm giải pháp lớn; 10 chương trình, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai thực hiện xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh v.v..

Qua thông tin về dự thảo Đề án, các đại biểu nguyên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế và lãnh đạo một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung góp ý nhằm làm rõ lý luận về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu; đồng thời, đánh giá các yếu tố thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức của tỉnh khi thực hiện Đề án.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đào Thế Anh - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: Hội quán của Đồng Tháp là nền tảng thuận lợi để đưa các yếu tố đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật vào khu vực nông thôn, cũng như đến với nông dân

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh cũng được chia sẻ. Điển hình như: Vận dụng tốt 13 nguyên tắc nông nghiệp sinh thái ở địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, ứng dụng nhiều công nghệ thông minh vào sản xuất; phát triển chiến lược lúa sinh thái Tràm Chim; phát triển Nông nghiệp tái tạo ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim v.v..

Một số ý kiến đề nghị bàn sâu hơn để thống nhất về 03 nội hàm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; phân lại vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái; nên tích hợp Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vào Đề án “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030”; mở rộng thời gian thực hiện Đề án ít nhất trong 10 năm; cần tập trung xây dựng mô hình điểm, huy động các nguồn lực đầu tư để triển khai thực hiện v.v..

Đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Đề án

Ghi nhận nhiều góp ý tâm huyết của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các đại biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và tiếp thu. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục có các buổi tham vấn ý kiến, do đó, mong muốn các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các đại biểu tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng Đồng Tháp hoàn thành Đề án trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Theo dự thảo Đề án, Nền nông nghiệp sinh thái được định nghĩa là một phương pháp tiếp cận tổng hợp chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế của các hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường; sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ít phát thải, không tác động xấu đến sức khỏe con người; phát huy tính đa dạng, giá trị văn hóa của hệ thống để nâng cao giá trị nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững” (FAO, 2024).

Về Nông thôn hiện đại, chưa có định nghĩa rõ nhưng nội hàm cũng có nhiều nghiên cứu đề cập: Có kinh tế phát triển, đời sống của người dân ấm no; Cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiếp cận đô thị; quy hoạch bài bản; Thiết chế văn hóa cộng đồng được phát huy hiệu quả; quan hệ xã hội lành mạnh, bản sắc văn hoá truyền thống được gìn giữ phát huy; Môi trường sống xanh sạch (đẹp), chống chịu cao trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các biến động bất lợi khác; Chính trị ổn định; an ninh, an toàn, trật tự xã hội được đảm bảo.

Về Nông dân văn minh: Có trình độ, có tri thức, chuyên nghiệp; Có tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo và làm giàu bền vững; Có tinh thần tương thân tương ái, có tinh thần liên kết hợp tác cùng nhau phát triển, xây dựng làng xã cộng đồng vững mạnh.

>> Nghiên cứu tích hợp Tái cơ cấu nông nghiệp vào Đề án “tam nông”

Theo Cổng TTĐT tỉnh