Hội thảo về công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
Hội thảo về công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
Hội thảo vừa diễn ra vào sáng nay (ngày 05/5/2023) tại tỉnh An Giang, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Dự và chủ trì Hội thảo có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các đại biểu tham dự có: Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và XH; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Chi cục Phát triển nông thôn một số tỉnh của Đồng bằng sông Cửu long; Các Viện, Trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Trường, cơ sở đào tạo, hợp tác xã, doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Các cơ quan truyền thông; báo đài; một số tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận xoay quanh về công tác đào tạo nghề nông thôn như: (1) Đánh giá thực trạng lao động và hiệu quả của công tác tác đào tạo nghề lao động nông thôn vùng ĐBSCL (của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Đại học Cần thơ), (2) Báo cáo công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động trong 3 CTMTQG trên địa bàn và nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp ở tỉnh An Giang (của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang), (3) Giới thiệu nội dung dự thảo “Đề án đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn). Đặc biệt là tham gia phát biểu của các đơn vị liên quan các bên trong công tác đào tạo nghề là các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản (cụ thể như: Công ty CP Rau Quả Thực Phẩm An Giang, Doanh nghiệp Lộc Trời, Công ty TNHH Trung An, Hiệp hội thuỷ sản Cần Thơ, Công ty TNHH nông trại Ếch Ộp); Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và XH; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh; đại diện dự án GIC và Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn; các đơn vị quản lý đào tạo nghề tại các địa phương. Các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề thực trạng lao động nông thôn vùng ĐBSCL hiện nay; nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong liên kết sản xuất và tiêu thụ rau quả xuất khẩu; xu hướng phát triển ngành nghề và nhu cầu đào tạo về dịch vụ cơ giới hóa và các dịch vụ nghiệp nông nghiệp ở khu vực nông thôn; nhu cầu đào tạo nhân lực cao trong canh tác lúa chất lượng cao; nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất - chế biến thuỷ sản; nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong sản xuất tiêu thụ trái cây.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam
phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh một số nội dung yêu cầu đối với việc xây dựng “Đề án đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đó là: cần làm rõ nội hàm “đào tạo” và “chuyển đổi nghề”; phải bám sát các chủ trương, Nghị định, Quyết định, Kế hoạch đã có về phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL; thực trạng và nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề thực tế của các địa phương hiện nay để tháo gỡ, giải quyết các vấn đề nút thắt. Trong Đề án phải xác định rõ các đối tượng trong Đề án, nhu cầu đào tạo để phân luồng, phân nhóm như: đào tạo nông dân chuyên nghiệp, đào tạo theo các dự án, đề án phát triển vùng nguyên liệu, dịch vụ du lịch cộng đồng nông thôn, đào tạo cho lực lượng cán bộ là thành viên hợp tác xã, lực lượng khuyến nông cộng đồng, lực lượng lao động làm việc trong các nhà máy chế biến nông sản, thuỷ sản; đào tạo lao động trình độ cao tham gia thị trường lao động nước ngoài; nội dung đào tạo phải đa mục tiêu, đa dạng hình thức đào tạo phù hợp với người dân; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan như doanh nghiệp, ngân hàng tín dụng, hợp tác xã với các đơn vị đào tạo…, cơ chế tín dụng về hỗ trợ cho vay đối với lao động sau khi học nghề để tổ chức, mở rộng sản xuất; bổ sung vai trò, sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong Đề án này. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu phải chú trọng đưa vào Đề án giải pháp xã hội hoá theo cơ chế đặt hàng với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác đào tạo nghề để phát huy hiệu quả Đề án sau khi được ban hành.
Nguyễn Hưng