Triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2024
Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2024.
Các sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao
Trong năm 2024, tỉnh Đồng Tháp tập trung thực hiện các mục tiêu chủ yếu như sau: Duy trì, củng cố nâng chất các sản phẩm đạt chứng nhận 3 - 5 sao OCOP; có ít nhất 30 sản phẩm OCOP được công nhận mới. Hỗ trợ ít nhất 05 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố hỗ trợ ít nhất 01 chủ thể OCOP mới là HTX tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; có ít 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Duy trì, nâng chất các sản phẩm OCOP của các làng nghề đã được công nhận; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có nghề truyền thống/làng nghề/làng nghề truyền thống đều có ít nhất 01 sản phẩm làng nghề (hoặc sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ làng nghề) tham gia dự thi sản phẩm OCOP. Phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...) và có 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được kinh doanh trên môi trường trực tuyến, v.v…
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Kế hoạch cũng đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố chủ động rà soát thực trạng các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn (sản phẩm đặc trưng, truyền thống, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, khai thác nguồn tài nguyên bản địa và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động) để có kế hoạch chuẩn hoá cụ thể cho các sản phẩm phù hợp; Có kế hoạch, lộ trình bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình OCOP phù hợp với lợi thế, điều kiện sản xuất thực tế của địa phương; hỗ trợ chủ thể phát triển, chuẩn hoá sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đối với các Sở, ngành tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ đến các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP; Hướng dẫn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP Tỉnh; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký mã số mã vạch cho các sản phẩm OCOP, đăng ký Sở hữu trí tuệ; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ đối với các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP trong và ngoài nước,v.v..
|
Chi tiết xem: Tại đây
Nguyễn Hưng