Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo
Ngày 09/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI ban hành Kết luận số 250-KL/TU về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giảm nghèo bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội; Tạo cơ hội, điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và đóng góp vào tăng trưởng; Bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; xây dựng nông thôn là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đó là:
(1) Về xây dựng nông thôn mới: Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; có 98% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.
(2) Về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Tăng trưởng khu vực nông - lâm - thuỷ sản bình quân 3,5%/năm; Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 40% trong tổng số lao động xã hội; thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so năm 2020 (tương đương 75,2 triệu đồng/năm); Thành lập mới ít nhất 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
(3) Về giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,0%/năm. Đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,0% (theo chuẩn nghèo tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm).
Để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025, có 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức, hành động đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững; (2) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò chủ thể của nhân dân; (3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nông dân; (4) Thực hiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ; (5) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; (6) Đào tạo nghề cho nông dân theo hướng nông dân chuyên nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; (7) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ tác động của thiên tai, dịch, bệnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Đảng bộ Tỉnh; các ban và cơ quan của Tỉnh uỷ, Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh tổ chức quán triệt thực hiện Kết luận này; đồng thời, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận. Giao Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Tỉnh cụ thể hoá nội dung Kết luận này thành Đề án; chỉ đạo các ngành chức năng, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, đúc kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.
Nguồn: Kết luận số 250-KL/TU.
Nguyễn Hưng