Xuất bản thông tin

null Môi trường nông thôn ngày càng được khởi sắc

Chi tiết bài viết CHUONG TRINH - DE AN

Môi trường nông thôn ngày càng được khởi sắc

Ngày 07/4/2023, tại huyện Tháp Mười, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Tháp Mười tổ chức Hội nghị triển khai công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chủ trì Hội nghị có: ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường và Bà Trần Thị Quý, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Mặt Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Văn phòng Điều phối tỉnh, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện/thành phố, UBND xã xây dựng nông thôn mới nâng cao (02 xã/huyện, thành phố), phóng viên Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình, …

Quang cảnh Hội nghị

Công tác bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu trụ cột, cơ bản và là yêu cầu xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững của tỉnh. Các hoạt động bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; công tác phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; sự thống nhất đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư… tạo nên diện mạo mới, môi trường nông thôn ngày càng được khởi sắc.

Để phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 901-CV/TU ngày 12/01/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các Huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh tỉnh: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện bảo vệ môi trường, trên cơ sở phát huy các kết quả đã đạt được, từng cấp uỷ phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tích hợp vào chương trình  hành động hàng năm, chỉ đạo thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân; có lộ trình giảm nhanh và tiến đến mục tiêu chấm dứt các hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định của hộ gia đình, cá nhân tại khu đô thị, khu dân cư nông thôn; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức và địa phương theo phân cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường; lồng ghép các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trọng tâm là các chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới vào nội dung sinh hoạt ở các chi, tổ, hội, các Hội quán,…”.

Được biết, tỉnh Đồng tháp cũng có nhiều mô hình góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được duy trì và nhân rộng như: mô hình “Thu gom, lưu giữ và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”; mô hình cụm (tuyến) dân cư xanh - an toàn, bãi rác - vườn hoa, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an ninh”; mô hình 5 không 3 sạch, mô hình xử lý rác bằng nước sinh học EM; mô hình“ Phân loại rác hữu cơ tại địa bàn xã Tân Thuận Tây để ủ phân compost của Tâm Quê hội quán” do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đồng thời, phát động đăng ký thực hiện tuyến đường kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; “Ngày chủ nhật sạch gắn với việc sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hiện tốt việc thu gom rác và xử lý rác thải hợp vệ sinh”, mô hình “gia đình an toàn, hạnh phúc, đạo hạnh”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm, hợp vệ sinh”,... Ngoài ra, phát huy hoạt động câu lạc bộ “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, thanh niên xung kích xây dựng NTM, tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế, câu lại bộ khởi nghiệp... Những giải pháp, mô hình trên đã bước đầu phát huy hiệu quả và đang lan tỏa ra cộng đồng, dần dần mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Việc cụ thể hoá tiêu chí Môi trường của Bộ tiêu chí Quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đã giúp các địa phương dễ dàng đặt ra mục tiêu thực hiện trong từng giai đoạn và đánh giá được tiến độ thực hiện so với yêu cầu chung của tỉnh; việc lồng ghép với các chương trình, dự án vào chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp các địa phương huy động được nguồn kinh phí thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường với sự đối ứng từ phía người dân đã tạo điều kiện để mọi người tham gia bảo vệ môi trường, huy động được nguồn lực từ nhân dân...

Với sự đồng lòng của người dân thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đến nay cảnh quan, môi trường nông thôn không ngừng được cải thiện, khởi sắc. Tính đến nay, toàn tỉnh có 113/115 xã đạt tiêu chí NTM về Môi trường và An toàn thực phẩm; Luỹ kế có 103/115 xã đã được UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có 03 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM và 02 huyện đạt chuẩn NTM.

Ngoài ra, theo kết quả đánh giá Chỉ số PAPI của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), năm 2021 tỉnh Đồng Tháp đạt 42,43 điểm, xếp thứ 27 cả nước, trong đó chỉ số thành phần Quản trị môi trường đạt 4,73 điểm tiếp tục đứng đầu cả nước trong 04 năm liền kể từ năm 2018, từ khi chỉ số Quản trị môi trường có trong công tác đánh giá PAPI, cho thấy những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có những kết quả nhất định, tất cả chúng ta cùng tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Để góp phần xây nông thôn mơi tỉnh Đồng Tháp là nơi đáng sống, Tỉnh đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 (theo Kế hoạch 248/KH ngày 17/8/20221) xã nông thôn mới có ít nhất 01 tuyến đường (liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm) “xanh - sạch - đẹp” và mỗi huyện/thành phố có ít nhất trên 70% tuyến đường liên xã “xanh - sạch - đẹp”; Đối với xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất tỷ lệ 70% tuyến đường (liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm) “xanh - sạch - đẹp”; trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp, Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng, … trên địa bàn xã đạt chuẩn nông thôn mới phải được chỉnh trang cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”.

Trước khi bắt đầu Hội nghị các đại biểu đã tham quan thực tế công tác xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Bộ chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới, nâng cao hơn như: huyện nông thôn mới phải có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỷ lê thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế; bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom xử lý triệt để; các hoạt động sản xuất, chăn nuôi phải đăng ký bảo vệ môi trường... với yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí xã nông thôn, Uỷ ban nhân dân Tỉnh bổ sung chỉ tiêu có ít nhất 01 mô hình dòng sông không rác được duy trì thường xuyên nhằm phát huy tính cộng đồng trong hợp tác sản xuất, tạo nếp sống xanh - sạch - đẹp cho vùng nông thôn. Do đó, trong thực hiên Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, môi trường được xác định tiêu chí khó đạt do giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong mà phải được thực hiện thường xuyên, liên tục… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân.

Tại Hội nghị này, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thành viên và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn và thu gom rác; tăng cường giám sát hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vận động, xây dựng mô hình mới, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả về bảo vệ môi trường đến các thành viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Phát huy hiệu quả hoạt động Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng tại địa phương góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới. Đối với các địa phương cần xây dựng các Chương trình kế hoạch cụ thể trong thực hiện tiêu chí môi trường đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch của Tỉnh, duy trì, nâng chất tiêu chí Môi trường ở cấp xã, cấp huyện.

Ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường và Bà Trần Thị Quý, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười trao giấy khen cho 8 tập thể và 8 cá nhân

Dịp này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tặng Giấy khen cho 8 tập thể, 8 cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Mai – Văn phòng Điều phối