Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022

Chi tiết bài viết CHUONG TRINH - DE AN

Đồng Tháp: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022

Ngày 26/8/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.

Ảnh sưu tầm: Bà con nông dân xã Phú Đức, huyện Tam Nông thu hoạch đậu nành rau

Mục tiêu đó là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 trên tổng diện tích 9.368,32 ha. Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, cụ thể (i) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. (ii) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. (iii) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. (iv) Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thuỷ lợi phục vụ trồng lúa. (v)- Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thuỷ sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

Theo đó, nhiều nhóm giải pháp đã được đề ra như:

- Về tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất, năng suất thấp và diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả kinh tế hơn; Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.

- Về chỉ đạo sản xuất: Các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Khuyến cáo nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, giảm diện tích trồng lúa Hè Thu trên những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới trong mùa khô. Các khu vực, đê bao vững chắc, vùng gò cao, cù lao,... có thể chuyển 2 lúa - 1 màu, 1 lúa - 2 màu, trong đó chú trọng các loại cây trồng có khả năng tiêu thụ, chế biến lớn (mè, bắp, khoai,...), hoặc có thể 1 lúa - 1 thuỷ sản, 1 lúa - 1 màu (chuyển thành 2 vụ) nhưng cho giá trị, lợi nhuận cao hơn sản xuất 3 vụ lúa.

- Các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cơ giới hoá; liên kết sản xuất với tiêu thụ; phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách liên kết sản xuất với tiêu thụ, thuỷ lợi.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở, ngành Tỉnh, các đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết kịp thời./.

Nguồn: 303/KH-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh.

Nguyễn Hưng