Xuất bản thông tin

null Tọa đàm “Nâng cao hình ảnh và giá trị Sen Đồng Tháp”

Chi tiết bài viết TIN HOAT DONG

Tọa đàm “Nâng cao hình ảnh và giá trị Sen Đồng Tháp”

Chiều ngày 01/9, tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hình ảnh và giá trị Sen Đồng Tháp”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phước Thiện và Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Nguyễn Văn Vũ Minh cùng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm đã chỉ ra được thực trạng ngành hàng Sen của Đồng Tháp hiện nay, xác định 03 nhóm điểm nghẽn lớn nhất, cụ thể:

- Trong sản xuất:

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện diện tích trồng sen giảm còn khoảng 859 ha, tập trung nhiều ở huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh. Hiện tại, giống sen tại Đồng Tháp vẫn chưa có xác nhận cụ thể về nguồn gốc; tình hình dịch bệnh trên cây sen như chạy dây, thoái hóa ngó làm cho năng suất giảm sút.

Hạ tầng canh tác thống nhất, theo quy chuẩn cho ngành hàng sen vẫn chưa hoàn chỉnh, ngoài ra các yếu tố về đất, nước bị nhiễm nông dược chéo cũng ảnh hưởng đến năng suất.

- Trong chế biến

Các sản phẩm từ sen hiện có khoảng trên 20 mặt hàng từ sen, tập trung phát triển nhiều ở lĩnh vực thực phẩm, riêng về dược phẩm và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ còn là lĩnh vực tiềm năng. Tuy nhiên, các sản phẩm thực phẩm từ sen chưa đa dạng, chủ yếu là tinh chế thô, vùng nguyên liệu chưa lớn, hạn chế về công nghệ bảo quản.

Các sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực có thể nâng tầm giá trị của cây sen, tuy nhiên, các điểm nghẽn chung của nhóm ngành này là: vốn đầu tư công nghệ xử lý nguyên liệu và nguồn nhân lực phục vụ cho khâu sản xuất, khâu nghiên cứu xu hướng thị trường.

- Trong thương mại

Các sản phẩm từ sen hiện chủ yếu tiêu thụ trong nước và có tính cạnh tranh với một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lại chưa có chuẩn đánh giá chung về chất lượng sản phẩm mà chủ yếu là chuẩn của cơ sở, của doanh nghiệp.

Công tác Logistic chưa được đáp ứng toàn diện, phí vận chuyển trong nước vẫn còn khá cao. Quản trị sản xuất và vốn cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp nếu muốn mở rộng sản xuất, ký kết các hợp đồng lớn sang các quốc gia khác.

 

Đối với nông dân trồng sen của huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò đều kiến nghị các ngành tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học cần xây dựng lại quy hoạch cho các vùng trông sen một cách bày bản, có hướng dẫn kỹ thuật canh tác sen sao cho hiệu quả, trồng sen theo hướng hữu cơ, khắc phục dịch bệnh hiện nay trên cây sen; đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành hàng sen vào một số chính sách tỉnh đang áp dụng hỗ trợ; cần có các khảo nghiệm để nghiên cứu giống sen cho năng suất cao, phục hồi giống sen bản địa.

 

Các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm từ sen nêu lên nhu cầu của doanh nghiệp như: cần vùng nguyên liệu sen sạch (sản phẩm lấy hoa, gương, lá, ngó) đảm bảo chất lượng, đồng đều và số lượng lớn ổn định để có thể thực hiện các hợp đồng quy mô lớn. Cùng với đó là đề nghị được hợp tác với Tổ hợp tác, Hợp tác xã cung cấp hạt sen lụa để giảm bớt trung gian, tăng thu nhập cho nông dân; cần hình thành chuỗi liên kết khép kín về sản xuất, sơ chế, phân loại và quan trọng hơn hết là vấn đề “chữ tín” giữa nông dân và doanh nghiệp.

 

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni đề xuất, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Tháp Mười cần tổng hợp tài liệu về kỹ thuật, mô tả chi tiết đặc tính các giống sen hiện có; tổng hợp đề xuất, nhu cầu của doanh nghiệp về loại nguyên liệu như thế nào về sen, địa phương đặt hàng cho nhà nghiên cứu để tạo ra giống sen đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp (sen lấy hoa, sen lấy ngó, sen lấy hạt, sen lấy tơ...); kết nối nông dân, doanh nghiệp lại với nhau, đặc biệt quan tâm đến những nông dân sản xuất quy mô lớn và đóng vai trò là doanh nghiệp thu mua, chế biến để cùng xây dựng niềm tin với nhau trong chuỗi ngành hàng.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang đề xuất cần thí điểm và phát huy mô hình trồng sen theo hướng an toàn, định hướng hữu cơ và có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm.

Sự chung tay của các bên liên quan (cộng đồng địa phương, đơn vị chế biến, chế tác sản phẩm từ sen, đơn vị kinh doanh lữ hành, các cấp quản lý, nhà khoa học); chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị sen Đồng Tháp như: Tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen; gia tăng giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Bí thư Huyện uỷ Tháp Mười cho hay Trong thời gian tới huyện sẽ nghiên cứu để xây dựng 02 vùng nguyên liệu sen, thứ nhất là để cung cấp nguyên liệu sản xuất, thứ hai là để phục vụ du lịch, khai thác giá trị gia tăng từ hình ảnh cây sen thông qua các dịch vụ; từng bước áp dụng cơ giới hóa, công nghiệp trong thu hoạch, chế biến để hạn chế chi phí trung gian; tính toán đến sự cân bằng lợi ích của người nông dân trong sản xuất từng mặt hàng của ngành hàng sen để giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân đáp ứng nhu cầu từng mặt hàng của sen.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiến hành tổng hợp các tài liệu về kỹ thuật, mô tả đặc tính các giống sen làm cơ sở cho việc phối hợp với các nhà khoa học xây dựng quy hoạch cho các vùng trông sen một cách bày bản; quy trình sản xuất, canh tác thống nhất.

Tiếp tục đang nghiên cứu các loại máy móc phục vụ sơ chế sen nhằm giúp nông dân giảm bớt các khâu thủ công, từ đó sẽ đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp.

Các địa phương cần chủ động xác định lại các vùng quy hoạch ngành hàng chủ lực, từ đó xây dựng lại chuỗi giá trị ngành hàng sen sao cho phù hợp, đáp ứng theo nhu cầu của Doanh nghiệp, giúp mối liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp được bền vững.

Đề nghị các huyện tiếp tục củng cố các Tổ hợp tác, Hợp tác xã về Sen cùng đồng hành vào chuỗi liên kết một cách hiệu quả.

T. Vương