Xuất bản thông tin

null Năm 2022, Đồng Tháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Chi tiết bài viết TIN HOAT DONG

Năm 2022, Đồng Tháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

ĐTO - Trong năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh nhà tập trung phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất. Đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất; kêu gọi phát triển nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa...

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,14% so với thực hiện năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Trong đó, về lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa kiểng, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao; mở rộng diện tích áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm giá thành, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao... Lĩnh vực chăn nuôi, thú y với tổng đàn vật nuôi được tăng trưởng ổn định từ 1,3-6% so với cùng kỳ. Ước giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so cùng kỳ...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát triển nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể, áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa được trên 166.417ha, chiếm khoảng 49% diện tích canh tác, tăng 6% so với thực hiện năm 2020. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 quy mô 280ha tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, mang lại lợi nhuận cao hơn 8,4 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Ngành nông nghiệp cũng tập trung phát triển ngành hàng cây ăn trái. Trong đó, liên kết sản xuất và tiêu thụ dài hạn với 16 doanh nghiệp với sản lượng 5.616 tấn trái cây các loại... Duy trì sản xuất cây ăn trái truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua QR Code và liên kết tiêu thụ với diện tích 10ha xoài; xây dựng vùng sản xuất chanh không hạt áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc được 24,6ha tại xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội, Bình Thạnh của huyện Cao Lãnh...

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số. Trong đó, bước đầu sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (drone), hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò. Cùng với đó, triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười. Chú trọng ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả; triển khai ứng dụng phần mềm PPDMS 2.0 vào việc báo cáo và tổng hợp số liệu tình hình sâu bệnh hại cây trồng... Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Thời gian qua, Đồng Tháp chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bước đầu tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tốt xuất khẩu. Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất, Đồng Tháp cần tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, nâng cao giá trị nông sản; triển khai giám sát mã số vùng trồng. Đơn vị sẽ hỗ trợ Đồng Tháp hoàn chỉnh tiêu chuẩn về cơ sở vùng trồng, nhà đóng gói, xây dựng thành tiêu chuẩn Quốc gia...”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 làm sản lượng xuất khẩu mặt hàng chủ lực giảm, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản và áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, sự đồng hành của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng của nông dân trong tổ chức kết nối đã tiêu thụ hết lượng nông sản thu hoạch thời gian qua. Đồng thời,việc tổ chức khôi phục sản xuất trong và ngay sau khi dịch bệnh được đẩy mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông - lâm - thủy sản”.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra một số mục tiêu với giá trị tăng thêm nông, lâm, thủy sản tăng 3,7% so với năm 2021. Đồng thời xây dựng và xác lập mới mã số vùng trồng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái đạt 6.500ha; tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trên xoài thêm 30ha, mở rộng diện tích truy xuất nguồn gốc trên lúa gạo thêm 50ha. Phấn đấu có thêm ít nhất 2 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới và có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên...

Cùng với đó, ngành nông nghiệp khuyến khích ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển cây trồng, chăn nuôi và thủy sản năm 2022 linh hoạt, thích ứng thời tiết, phù hợp thị trường gắn với nhiệm vụ cơ cấu ngành hàng chủ lực và điều kiện thực tế của từng địa phương góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đồng thời khuyến cáo người sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho giá trị cao trên cùng diện tích canh tác; phát triển nông sản an toàn gắn chứng nhận mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Quản lý vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng lực giám sát, dự báo và tổ chức phòng trừ hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Thời gian tới, tỉnh cần vạch ra lộ trình dài hạn cho nông sản địa phương nhằm tạo sự phát triển bền vững, thích ứng tốt với thị trường. Cùng với đó, phát triển lúa chất lượng cao; định hướng cho việc sơ chế, bảo quản, tồn trữ các giống xoài; xây dựng mô hình, định hướng phù hợp từng vùng nhằm tạo ra thương hiệu bền vững cho từng loại nông sản...”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần phát triển nông nghiệp theo chuỗi đa giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, theo hướng tận dụng phế phẩm phụ phẩm, gắn kết phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thành sản phẩm OCOP cho các nông sản chủ lực của địa phương. Đồng thời tập trung triển khai các giải pháp trong chuyển đổi số như sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; giám sát sâu rầy thông minh, hệ thống quản lý tưới thông minh, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu... Chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ưu tiên quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời kết hợp mô hình chăn nuôi...

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, giúp nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tư duy sản xuất, luôn đổi mới, sáng tạo... Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp tiếp tục, thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, sát dân, tiếp cận kinh nghiệm từ cơ sở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân, hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã...

Theo Báo điện tử Đồng Tháp